I. Lý do chọn học Luật ở Nhật Tạm bỏ qua những yếu tố văn hoá thì chắc ai cũng biết như Nhật Bản là một đất nước đáng sống và nổi tiếng với những cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời, nền giáo dục phát triển…sau đây là những lý do của tôi cho quyết định đi học tại Nhật:
Lý do trước tiên cũng không có gì đặc biệt, giành được học bổng thì phải đi thôi . Trong điều kiện cạnh tranh cao như hiện nay, việc kiếm một suất học bổng toàn phần du học nước ngoài không phải là một việc đơn giả. Do đó, tôi đã nghĩ là phải nắm bắt ngay cơ hội này chứ không mất quá nhiều thời gian để tính toán xem đi học ở đâu tốt hơn hay là cân nhắc những câu hỏi đại loại như: học Luật ở Nhật thì có bằng học ở Anh hay Mỹ? Học Luật tại Nhật có làm trình độ tiếng Anh của bạn kém đi? Vì vậy, việc giành được học bổng toàn phần tại một nước phát triển và thú vị như Nhật Bản thì không có gì phải lăn tăn cả. Thực ra, trong khoảng thời gian apply học bổng Nhật, tôi đã vượt qua các vòng tuyển chọn của một học bổng chính sách công (public policy) tại đại học Indiana, Hoa Kỳ (luôn đứng top 10 về ngành public policy) nhưng vì một số vướng mắc về điều kiện thủ tục, giấy tờ, trong khi học bổng đi Nhật đã xong xuôi hết thủ tục và được học đúng chuyên ngành (luật) nên tôi đã quyết định chọn đi học tại Nhật.
Lý do thứ hai, trong quá trình làm hồ sơ xin học bổng, tôi đã nghiên cứu sơ qua về hệ thống pháp luật của Nhật và thấy hệ thống này rất phù hợp để nghiên cứu, ứng dụng vì Nhật và Việt Nam về cơ bản đều là những nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa – Civil law. Mặt khác, rất nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên luật Nhật Bản và một số nước civil law khác như Pháp và Đức, điển hình là Bộ luật dân sự mới được sửa đổi năm 2015. Do đó, sẽ rất dễ dàng trong việc hiểu và áp dụng kiến thức đã học sau khi về nước. Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ là một nước thuần theo hệ thống civil law, bên cạnh hệ thống luật thành văn gồm hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, Nhật Bản cũng có một hệ thống các án lệ đồ sộ, đạt quy chuẩn cao và là một trong những nguồn luật chính của những người hành nghề Luật tại Nhật, vì vậy, ở một khía nào đó, tuy chưa hoàn toàn chính xác nhưng cũng có thể hiểu rằng hệ thống pháp luật Nhật Bản là một sự pha trộn giữa hai hệ thống Civil law và Common law.
II. Các yếu tố quan trọng để xin học bổng Trước tiên, cần phải làm rõ có những loại học bổng nào dành cho ngành Luật tại Nhật và điều kiện của từng loại học bổng đó để xác định mục tiêu rõ ràng cho mình. Hiện nay, hai học bổng phổ biến nhất và tốt nhất dành cho sinh viên ngành Luật là học bổng MEXT và JDS. Học bổng MEXT hay còn gọi là học bổng Mongukabakusho là học bổng do Bộ Giáo dục Nhật Bản cấp và dành cho tất cả mọi đối tượng không giới hạn khối nhà nước hay tư nhân, sinh viên vừa ra trường cũng có thể apply nếu đủ điều kiện. Về cơ bản, học bổng này được chia làm hai loại, loại thứ nhất là do Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam tiến cử, tuy nhiên điều kiện tiên quyết là bạn phải tự liên hệ với giáo sư của trường mà bạn muốn học và được sự chấp thuận nhận hướng dẫn từ giáo sư đó; loại thứ hai là do trường đại học ở Nhật Bản tiến cử sau khi ứng viên đã hoàn thành phỏng vấn với trường, cũng như đáp ứng các yêu cầu cụ thể khác. Một loại học bổng khác tên là Học bổng phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (JDS) được quản lý và cấp bởi dự án JICA, JDS đặc thù hơn so với MEXT vì chỉ dành riêng cho các ứng viên thuộc khối nhà nước; đối với chuyên ngành Luật, thông thường các ứng viên của các cơ quan, ngành như Bộ Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát và các trường đào tạo về luật sẽ phải “chiến đấu” với nhau để dành suất học bổng này. Giữa học bổng MEXT và học bổng JDS, mỗi loại học bổng sẽ có những ưu điểm và điểm hạn chế nhất định. Ví dụ: sinh viên học bổng Mext từ khi mới sang Nhật và còn bỡ ngỡ đã phải tự thân vận động làm hết các thủ tục tối cần thiết như: đăng ký nơi ở, đăng ký bảo hiểm, làm thẻ ngân hàng, tìm nhà và ký hợp đồng thuê nhà…trong khi sinh viên JDS được tổ chức cấp học bổng hỗ trợ và hướng dẫn khá tận tình về những việc này. Ngược lại, sinh viên JDS phải chịu sự giám sát, quản lý khá nghiêm ngặt về sinh hoạt, học tập, đi lại…cứ 3 tháng một lần phải viết báo cáo cũng như gặp gỡ nói chuyện với đại diện của tổ chức học bổng; về các vấn đề này, sinh viên MEXT được tự do hơn trong đi lại, về nước thăm gia đình cũng như đi làm thêm…Về các thông tin cụ thể khác như điều kiện, hồ sơ, trình tự đăng ký cũng như chế độ của hai loại học bổng trên, các bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng.
“Sau tất cả”, tôi rút ra một kinh nghiệm cho việc chọn đề tài như sau:
(1) xác định chuyên ngành tôi muốn theo hoặc nên theo, sở dĩ nói là “nên theo” vì có thể bạn có đam mê hoặc có thế mạnh về một lĩnh vực nhất định nhưng tại trường bạn chọn không có giáo sư chuyên sâu về mảng đó hoặc họ không hứng thú về mảng đó thì tốt nhất bạn nên xác định lại hướng đi khác bằng cách cân nhắc việc “nên” theo đuổi một ngành khác;
(3) Chọn trường và lĩnh vực thế mạnh của trường (như tôi đã nói ở trên);
(5) Bắt tay viết đề xuất nghiên cứu, bao gồm những nội dung cơ bản sau đây: (i) giới thiệu (introduction), (ii) vấn đề tồn tại, thực trạng (problem statement); (iii) quan điểm của người viết về vấn đề cũng như hướng giải quyết vấn đề (thesis statement); (iv) mục đích của nghiên cứu (purpose) và (v) kế hoạch nghiên cứu, triển khai đề tài (research plan). Trong các bước trên, bạn có thể làm theo thứ tự hoặc tự cân đối tuỳ theo thực tế nghiên cứu của các bạn. Tất nhiên đó chỉ là kinh nghiệm chủ quan của riêng tôi nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp đề tài của bạn tăng khả năng được chấp nhận trong quá trình xin học bổng.
Tóm lại, theo tôi, học ở bất cứ môi trường nào, cũng là một cơ hội rất tốt để tự rèn rũa bản thân; và việc học ở mỗi một nước khác nhau lại có những thế mạnh khác nhau và sẽ mang lại cho bạn những lợi ích khác nhau. Chắc chắn là sẽ có những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu và những điều chưa được vừa ý khi bạn mới sang sống và học tập tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi, những điều tích cực đã đến và chiếm phần lớn trong hai năm vừa qua. Hy vọng chia sẻ của tôi sẽ phần nào giúp các bạn giải quyết được những thắc mắc về việc học thạc sỹ Luật tại Nhật để từ đó có thể có những định hướng đúng đắn nhất cho con đường học tập cũng như sự nghiệp của mình.
Nguồn: https://www.facebook.com/vlecforum